top of page
Writer's pictureMike Cow

BẾN ĐÒ NGỰA - Lương Văn Tân & Lâm Sông Đồng

Ngược dòng lịch sử về lại thời Nam Tiến, vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), khi chúa Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Suất kinh lược xứ Miền Đàng Trong. Tại vùng đất

chung quanh Cù Châu (Cù Lao Phố), Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thiết lập nền hành chính, ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng. Ông dựng nên Dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Dinh Phiên Trấn (Gia Định). Sự lưu thông giữa hai dinh qua ngã bến đò ngược xuôi theo dòng Phước Long Giang (Đồng Nai).

Bến đò về phía Chợ Đồn (Hoá An) sau nầy được gọi lả Bến Đò Ngựa, và phía Chợ Dinh (Biên Hoà) gọi là Bến Đò Trạm (địa điểm Trạm xưa toạ lạc tại khu vực trường Tiểu Học Nguyễn DuTy Thanh Niên cuối đường Nguyễn Thái Học). Dân chúng sinh hoạt hằng ngày cũng như lối chuyển giao công văn thường thực hiện bằng xe ngựa, gọi là xe từ, chạy hai con ngựa phải dùng hai bến đò nầy.

Bến Đò Trạm

Vì phần tài liệu còn nhiều thiếu xót nên chúng tôi xin viết đôi dòng về Bến Đò Ngựa, phía Chợ Đồn, Hoá An ngày nay.

Bến Đò Ngựa toạ lạc tại điểm đầu của làng Bình Long giữa ranh giới Bửu Hoà - Hoá An, cách chùa Long Thiền khoảng độ 500m từ bờ sông Đồng Nai, ở khu vực nầy nước tương đối chảy chậm, đối lưu không nước xoáy, rất tiện cho thuyền ghe neo đậu.

Thời xưa, nơi đây được trải đá và bến thoai thoải ra tận sông, được sử dụng làm Dịch Trạm có từ đầu thời vua Gia Long. Tại bến đò nầy là trạm đổi ngựa chạy công văn, thư từ trên đường Cái Quan (Thiên Lý) từ kinh đô Huế vào đất Gia Định. Vào lúc đó dân Bình Long muốn qua Chợ Dinh (Biên Hoà) cũng sử dụng bến đò nầy để đi lại.

Khi Pháp chiếm 3 tỉnh Nam Kỳ: Biên Hoà – Gia Định – Định Tường vào năm 1862, họ đã sửa sang con đường Thiên Lý lại và dẹp bỏ các Dịch Trạm. Đến năm 1902, Cầu Rạch Cát được xây dựng, và năm 1903, Cầu Gành cũng được bắc qua, việc đi lại của người dân hai bên bờ sông trở nên thuận tiện hơn, song một số người vẫn có thói quen đi lại qua bến đò nầy.

Bến đò còn được sử dụng như là một bến nước chung của khu vực dân cư quanh chùa Long Thiền và vùng lân cận, những người làm nghề đánh xe ngựa thường dắt ngựa xuống bến tắm vào những buổi trưa Hè oi bức, nên tên gọi Bến Đò Ngựa xuất phát sự việc nầy. (1)

Sau một thời gian dài bị nước sông bào mòn, bến sông cũng bị lỡ nặng nề và khuyết vào tạo thế lòng chảo, rất nguy hiểm, người ta

đã bỏ bến đò nầy chuyển lên trên khu vực Hoá An, từ đó cái tên Bến Đò Ngựa chỉ còn là hoài niệm về một dấu tích xưa.

Ngày nay, khi tìm lại cũng không còn tìm thấy dấu vết gì do nhà cửa đã xây dựng và cơi nới ra che gần kín bến sông. Chỉ duy có một bia đá với nội dung: A Di Đà Phật Thần Vị.

Nghe người dân quanh vùng kể lại, hàng năm đều có người chết đuối dưới bến nầy. Có khi một năm hai ba người, nên nhân dân xung quanh đã mời Thầy Bĩnh (Thầy Phong Thuỷ giỏi việc trấn yểm ở Hoá An) đến đây làm phép, dựng lên bia đá để trấn yểm bến, từ đó đến nay cũng đỡ đi nhiều. Người dân còn cho biết thêm ở gần khu vực Bến Đò Ngựa xưa có một cái mã Tây, nằm ở gần khu vực lò gốm Thái Dương (nay không còn nữa).

Hiện nay, ở khu vực bến sông nầy có một quán ăn mới mở cũng mang tên Bến Đò Ngựa, dường như người ta vẫn còn luyến nhớ đến một địa danh đã đi vào lịch sử rất lâu đời mà nay không còn nữa.

Lương Văn Tân & Lâm Sông Đồng

(1) Theo lời kể của bà Đỗ Nguyệt Thanh, trưởng nữ của ông Ba Nam, cháu gái ông Cả Kỳ, cùng một số người dân quanh khu vực bến sông.

50 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page