Hội Ái Hữu Biên Hoà hân hạnh giới thiệu đến quý vị bài: Tản Mạn Biên Hoà-Đại Giác Cổ Tự của đồng hương Văn Lang & Lâm Sông Đồng đóng góp trên diễn đàn. Hội chân thành cảm tạ quý vị tác giả. Kính mời quý vị thưởng lãm.
Trân trọng.
Xuôi dòng Phước Long Giang (sông Đồng Nai) từ Cồn Gáo, khu Đình Tân Lân đến lưu vực giữa hai Cầu Rạch Cát và Cầu Gành, chúng ta sẽ thấy Cù Lao Phố, một dãi đất với hình thể đẹp xinh có dòng Đồng Nai bao bọc, cây trái xanh tươi, ruộng đồng màu mỡ trù phú, làng quê thanh bình. Nơi đây, thuở nào gần bốn trăm năm (1679, Kỷ Mùi) khi Tổng Binh Trẩn Thượng Xuyên của Nhà Minh không phục Nhà Thanh bên Trung Quốc đến nước ta với đoàn thuyền tuỳ tùng và thân quyến xin tị nạn. Được Chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép vào Miển Nam định cư, lập nghiệp, ông chọn vùng đất nầy và đặt tên Cù Châu, vì biểu trưng của nó là vùng đất địa linh nhơn kiệt và ngời sáng tâm linh. Đến nay, theo dòng lịch sử vẫn còn nhắc nhớ đến Cù Lao Phố, một Thương Cảng Quốc Tế ngày xưa, và Đại Giác Cổ Tự, một di chỉ Phật Giáo đầu tiên ở Miền Nam.
Theo một số nhận định qua sách sử, thì Đại Giác Cổ Tự được hình thành trong khoảng Thể Kỷ XVII, theo những đoàn dân di cư vào Nam trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh 1600 - 1700. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì cho rằng chùa xây dựng rất lâu đời, nhưng không rõ năm nào. Vị tổ sư khai sơn là Thành Nhạc, một trong ba vị đệ tử của tổ Nguyên Thiều, người đặt nền tảng cho Phật Giáo Dòng Lâm Tế Chánh Tông ở Miền Nam.
Ban đầu, chùa chỉ được xây cất đơn sơ làm nơi thờ tự, tu hạnh của vị tổ sư, dần dần được mở rộng và xây dựng khang trang hơn, trở thành một trong ba trung tâm Phật Giáo lớn nhất Miền Nam thời bấy giờ cùng với Chùa Long Thiền (Chợ Đồn) và Chùa Bửu Phong (Núi Bửu Long).
Tương truyền, trong cuộc tao loạn năm 1779 giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, gia quyến của Nguyễn Ánh trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Anh con gái Nguyễn Ánh đã được nhà chùa che chở. Năm Gia Long nguyên niên 1802, nhớ ơn xưa, nhà vua sai quan trấn ở Trấn Biên cho binh thợ đến xây cất, đem tượng binh (voi) đến chở đất và dặm nền mống chùa, nên sau nầy người dân gọi là Chùa Tượng. Ngoài ra, nhà vua còn dâng cúng một pho tượng Phật A-Di-Đà bằng gỗ mít cao 2,25m, bởi thế nên chùa có tên khác là Chùa Phật Lớn. Vua Gia Long còn ban y bát và sắc phong cho Thượng Tọa Phật Ý-Linh Nhạc làm Hoà Thượng. Tháng 10 năm Minh Mạng nguyên niên 1820, nhà vua lại cho tu sửa chùa, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng gửi vào cúng một bức hoành phi lớn khắc ba chữ "Đại Giác Tự" thiếp vàng, bên phải có khắc: “Tiền Triều Hoàng Nữ Đệ Tam Công Chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh", hiện vẫn còn treo ở phía trước chánh điện.
Năm Nhâm Thìn1952, do lũ lụt chùa bị hư hại nghiêm trọng. Năm 1959, được sự đóng góp của dân chúng trong vùng, trụ trì chùa là Hoà Thượng Thiện Hỷ (1921 - 1979), đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi thờ bằng vật liệu hiện đại: tường gạch, cột bê tông cốt thép, có lầu chuông, lầu trống, đến ngày 12 tháng 8 năm 1961 mới khánh thành.
Năm 1967, tu sửa lại nhà Hậu Tổ. Năm 1969, cư sĩ Lê Văn Lộ xây thêm hàng rào chùa bằng gạch...
Chùa được xây dựng với thể thức tứ trụ, chánh điện oai nghi, các pho tượng nơi đây đa phần là các tượng gỗ có niên đại hơn trăm năm. Chùa còn lưu giữ rất nhiều hoành phi, câu đối và các án thờ, đây là các tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ phản ánh nội diện xã hội trong thế kỷ trước. Đặc biệt, nơi chánh điện vẫn còn bức tượng Phật Di-Đà do vua Gia Long dâng cúng thuở nào, đức Phật ngồi toạ thiền với vẻ uy nghi, bát ái nhìn xuống thế gian trải bao thăng trầm của thời cuộc.
Mang danh tiếng là một ngôi chùa cổ, nhưng qua rất nhiều đợt trùng tu, sửa chữa không đồng nhất nên hiện nay chùa mang dáng vẻ tân thời, đó cũng là một điều dễ hiểu. Nằm trên một địa thế cửa ngõ và là trung tâm của Cù Lao Phố, chùa còn mang dấu xưa với một khu một tháp và cổ mộ nơi hậu viên của chùa, minh chứng cho một thời kỳ hình thành lâu đời của những cư dân trên vùng đất mới. Chùa còn là trung tâm tinh hoa phật giáo, đào tạo ra các hàng tăng ni giáo phẩm, vì thế Đại Giác Cổ Tự được tôn vinh là Tổ Đình. Trải bao buổi truân chuyên, ngôi cổ tự nầy như một nét văn hoá trong tâm thức của người dân Cù Lao Phố, một trái tim của quê hương Xứ Bưởi, Biên Hoà.
Đến nay, Đại Giác Cổ Tự còn lưu truyền một câu chuyện cảm động giữa bà Hoàng Cô với vị Thiền Sư, quả đáng cho những tín đồ Phật Tử nghiền ngẫm về đạo và đời. Lược kể theo sách Thiền Sư Việt Nam cho hay: Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, không rõ năm sinh, là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc Sư. Với kiến thức Phật Học uyên bác ông được vời về Huế để giảng kinh cho hoàng tộc. Tại kinh đô, thái trưởng công chúa Long Thành, chị ruột Nguyễn Ánh (vua Gia Long), trong những ngày theo học đạo, đã thầm yêu nhà sư. Năm 1821, Hoà thượng Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch, sư Liễu Đạt trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ rồi ở lại luôn. Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nào ngờ vị Hoàng Cô trên tìm đến tận nơi. Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt quyết định nhập thất hai năm ở chùa Đại Giác để không gặp mặt. Nhưng vì Hoàng Cô cứ nài nĩ xin được nắm tay ông trước khi trở về Huế, và bà đã được toại nguyện. Đêm ấy, nhà sư tự thiêu sau khi ghi lại bài kệ trên vách để bày tỏ tấm lòng của mình. Mấy ngày sau, Hoàng Cô cũng uống độc dược quyên sinh tại Chùa Đại Giác vào ngày mùng 02 tháng 11 năm Quí Mùi (1823).
Đại Giác Cổ Tự mang trên mình bao dòng chảy về văn hoá, lịch sử và tâm linh, góp phần vào đời sống tinh thần của những cư dân trên vùng đất mới. Ngôi cổ tự nầy còn là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ, là nơi để giáo dục con cháu đời sau về những vốn văn hoá, tự do tín ngưỡng và cuộc sống đầy nhân bản mà cổ nhân đã truyền lại.
Σχόλια